Thứ Hai, 17 tháng 1, 2011

Tàu Titanic đã mang theo những gì xuống lòng đại dương ???




Khi chiếc tàu thủy khổng lồ và sang trọng bậc nhất RMS Titanic được hoàn thành vào năm 1912, tạp chí chuyên về ngành đóng tàu Shipbuilder đã tuyên bố đây là chiếc tàu thủy “không thể bị đắm” Nhưng thật không may, vào lần xuất dương đầu tiên từ bến cảng Southampton của nước Anh đến thành phố New York Mỹ, Titanic đã va phải một tảng băng trôi. Chỉ 3 giờ sau đó, toàn bộ con tàu đã vĩnh viễn chìm vào lòng đại dương băng giá. Trong số 2.229 hành khách và thủy thủ đoàn trên tàu, chỉ có 703 người được cứu sống (có tài liệu ghi 866). Titanic đã trở thành một huyền thoại quyến rũ nhất từ trước đến nay, không chỉ bởi rất nhiều câu chuyện liên quan đến sự kiện đắm tàu, mà còn vì kho báu khổng lồ mà nó mang theo xuống đáy biển.


Những trang thiết bị xa hoa bật nhất của tàu ~ Việc tàu Titanic bị đắm cũng đồng nghĩa với việc mất đi một số trang thiết bị xa hoa bậc nhất từng được trang bị trên 1 chiếc tàu thủy. Số tài sản này bao gồm một hồ bơi nước nóng lầu đầu tiên được lắp đặt cho 1 chiếc tàu thủy, một nhà tắm kiểu Thổ Nhĩ Kỳ, những thư viện hạng nhất và hạng hai, và một quán cà phê có mái hiên với những cây cọ thật. Còn về các thiết bị thông tin liên lạc, Titanic được trang bị một đài radio không dây Marconi để gửi và nhận điện tín, 1 tổng đài điện thoại với 50 máy điện thoại. Con tàu còn có cả một bệnh xá hiện đại với 2 bác sĩ thường trực. Tất cả đã theo con tàu và ở lại dưới đáy biển.

Hàng hóa ~ Một nhiệm vụ quan trọng của Titanic là chuyên chở thư từ qua Đại tây dương. Lúc tàu đắm, nó chở theo 3.364 túi thư từ và khoảng 700-800 bưu kiện. Nội dung của những bưu phẩm này vẫn chưa được xác định. Ngoài ra, còn có các hàng hóa khác như 50 thùng kem đánh răng, một thùng lớn có nhãn đề gửi cho công ty đồ trang sức Tiffany, 5 cây đàn piano lớn, 30 thùng gậy đánh gôn và vợt tennis gửi cho công ty chuyên đồ dùng thể thao A.G. Spalding. Tuy nhiên, trái với những lời đồn đại, Titanic không chở một xác ướp Ai Cập cổ nào (được cho là đã nguyền rủa con tàu này).

Các tác phẩm nghệ thuật ~ Rất nhiều hành khách của Titanic là những quý tộc rất giàu có, vì thế, cũng không có gì ngạc nhiên khi Titanic có chở theo khá nhiều các tác phẩm nghệ thuật quý giá, và toàn bộ kho báu này đã chìm sâu vào lòng đại dương. Một trong số những tác phẩm này là một bản sao quý giá của tác phẩm The Rubaiyat – một tuyển tập thơ gồm khoảng 1.000 bài thơ của nhà thiên văn học, toán học, nhà thơ người Iran, Omar Khayyam (1048 - 1123) _ tìm ra chiều dài một năm là 365,24219858156 ngày; đề xuất phương pháp giải phương trình bậc 3 trong trường hợp parabol và đường tròn. Đây là tác phẩm thật sự quý đến không ngờ, bìa của nó được chạm 1.500 viên đá quý, và mỗi viên đá quý lại được dát thêm vàng.


Vải vóc ~ Các nhà hàng, quán cà phê, và phòng ngủ trên tàu Titanic cần nhiều vải vóc đến nỗi công ty tàu biển White Star Line đã cho xây một nhà giặt là ngay gần bến tàu ở Southampton, để mỗi lần Titanic cập bến là ngay lập tức các đồ đạc bằng vải đã bẩn sẽ được đem xuống giặt là ngay lập tức để chuẩn bị cho chuyến đi tiếp theo (nhưng thật tiếc là Titanic đã không thể thực hiện thêm một chuyến đi nào ngoài chuyến đi đầu tiên và duy nhất). Các đồ vật bằng vải trên tàu gồm 200.000 chiếc tổng cộng (chưa kể đồ đạc của hành khách), trong đó có 18.000 khăn trải giường, 6.000 khăn trải bàn, 36.000 khăn tắm, và 45.000 khăn ăn.

Bộ đồ ăn (bát đĩa, dao nĩa…) ~ Để phục vụ đồ ăn và đồ uống cho số lượng hành khách khổng lồ, Titanic cần có 57.600 bát đĩa sứ, 29.000 ly tách các loại, 44.000 dao và dụng cụ cắt các loại. Chỉ riêng dao và các dụng cụ để cắt thức ăn đã nặng đến khoảng 2 tấn.

Đồ uống ~ Titanic mang theo tổng cộng 15.000 chai bia, 1.000 chai rượu vang, 850 chai rượu mạnh và 1.200 chai nước ngọt các loại như nước chanh, tonic, nước cam…

Thức ăn ~ Với chừng đó người trên tàu (2.229), không có gì đáng ngạc nhiên là con tàu phải mang theo một lượng thức ăn khổng lồ. Có đến 37.5 tấn thịt tươi, 7.5 tấn cá, 12.5 tấn thịt gia cầm và 1.2 tấn xúc xích (khoảng 40.000 cây). Ngoài ra còn có 40 tấn khoai tây, và gần 1 tấn kem.

Thuyền cứu đắm ~ Thuyền cứu đắm là một trong những vật dụng khiến Titanic nổi tiếng. Số thuyền cứu đắm trên Titanic chỉ có 20 chiếc, chỉ đủ chỗ cho 1.178 người, tức là một nửa số hành khách trên thuyền. Theo thiết kế, Titanic phải mang 32 thuyền cứu đắm (con số này vẫn chưa đủ cho tất cả mọi người), nhưng chủ của nó – công ty White Star Line – cho rằng việc mang theo quá nhiều thuyền cứu đắm sẽ...làm mất mỹ quan của tàu (xỉu lần 1); hơn nữa, dù sao đây cũng là...một chiếc tàu không thể bị đắm (xỉu lần 2) Năm 1933 c.ty Oceanic Steam Navigation (White Star Line) chủ quản Titanic, sáp nhập với đối thủ Cunard Line, đến 2005 trở thành 1 phần của Tập đoàn tàu biển liên quốc gia (Anh-Mỹ-Panama) Carnival Corporation & PLC.

Thủy thủ đoàn ~ Thủy thủ đoàn của Titanic có khoảng 900 thành viên, trong số này chỉ có 215 người sống sót. Những nhân viên này bao gồm tổ lái (chịu trách nhiệm điều khiển tàu), tổ kỹ thuật (chịu trách nhiệm về các máy móc trên tàu), tổ lương thực thực phẩm, các nhân viên nhà hàng, và các nhạc công. Khi con tàu đang chuẩn bị chìm dần, các nhạc công của 2 ban nhạc đã cùng nhau biểu diễn trên boong để trấn tĩnh mọi người. Không một ai trong số họ sống sót.

Hành khách ~ Có 1.316 hành khách trên tàu, 325 hành khách có vé hạng nhất, 285 người có vé hạng 2 và 706 người đi với vé hạng 3. Trong số này chỉ có 498 người sống sót khi tàu chìm. Khoảng 2/3 số hành khách hạng nhất sống sót so với chỉ ¼ số hành khách hạng 3; bởi vì, sau khi tàu va phải băng, các cánh cửa ở khu hạng 3 đã bị khóa để ngăn không cho số hành khách này tiếp cận với số tàu cứu đắm quá ít ỏi.

Khách VIP cao cả ~ Trong số hành khách hạng nhất trên tàu có nhà triệu phú Benjamin Guggenheim, ông cùng với người giúp việc của mình đã ở lại giúp phụ nữ và trẻ em lên thuyền cứu đắm. Sau khi tất cả các thuyền cứu đắm đã xuống biển an toàn, ông và người giúp việc này mới thay bộ đồ đẹp nhất của mình, để chuẩn bị “chết như một quý ông”. Và họ đã chết như thế. Trong số hành khách hạng nhất sống sót có quý bà Duff Gordon, một nhà thiết kế quần áo cho giới quý tộc (trong đó có cả các thành viên hoàng gia). Bà cùng chồng đều sống sót, tuy nhiên, sau này cả 2 người đều bị thẩm vấn rằng tại sao trên thuyền của họ chỉ chở một nửa số lượng người so với công suất của thuyền. Họ bị buộc tội đã mua chuộc những thủy thủ chèo thuyền để họ không đưa thêm người lên tàu của họ.

Những người anh hùng ~ Hoàn cảnh hiểm nguy và quẫn bách đòi hỏi hành khách và thủy thủ đoàn phải có những hành động anh hùng và hy sinh cao thượng. Bà Molly Brown và Nữ bá tước Rothes vốn được cung phụng đủ thứ. Nhưng họ đã không để ý đến địa vị xã hội của mình, và đã hăng hái chèo xuồng, thậm chí còn hăng hái hơn cả nhiều đàn ông có mặt trên xuồng. Một số người khác, chẳng hạn như vợ chồng Straus, cả hai đều đã ở tuổi 60, nhường xuồng cho người khác quên mình Những người thợ đốt lò đã ở lại trong phòng nồi hơi dưới hầm tàu, làm việc đến cùng để giữ cho ánh đèn trên tàu được sáng, nhằm báo hiệu cho các tàu đi ngang qua. Trên boong, hai điện báo viên liên tiếp gửi đi các tín hiệu cấp cứu, cho đến khi không còn làm gì được nữa. Và trong suốt thời gian đó, dàn nhạc vẫn chơi như không hề có chuyện gì xảy ra.

Vợ chồng nhà Straus ~ Bên nhau mãi mãi Vị khách giàu có Isidor Straus là người sáng lập cửa hàng Macy nổi tiếng khắp thế giới ở New York. Với tuổi tác của mình, ông được mời lên xuồng cứu sinh, nhưng ông đã nhường cho người khác. Vợ ông, bà Ida, đã không rời tàu mà không có ông. Bà nói: "Tôi sẽ không bỏ chồng tôi một mình. Chúng tôi đã sống cùng nhau, thì chúng tôi cũng sẽ chết cùng nhau ". Họ đã cùng chìm với Titanic..!

Người giàu nhất hành tinh ~ Trên tàu Titanic lúc này còn có người đàn ông giàu nhất thế giới lúc bấy giờ, John Jacob Astor IV (thừa hưởng gia sản từ dòng họ Astor, giàu có nhờ thuốc phiện, lông thú và BDS thương mại) ông là quân nhân (cấp Đại tá) sau chiến tranh TBN-Mỹ, tác giả 1 cuốn truyện khoa học giả tưởng, sở hữu 3 phát minh liên quan đến khí đốt. Ông đã nài nỉ cho người vợ đang mang thai của mình là bà Madeline được lên thuyền cứu hộ, nhưng bản thân ông lại không được đi chung vì lúc này các sĩ quan chịu trách nhiệm cứu hộ đang áp dụng luật “ưu tiên phụ nữ và trẻ em”. Bà Madeline đã sống sót, còn John đã chìm theo tàu Titanic.

(sưu tầm)